>>
You're reading...
Công pháp quốc tế

Hiệp định Paris và một số vấn đề cơ bản của Luật Điều ước quốc tế

Phạm Lan Dung – Trịnh Hải Yến

Từ khía cạnh Luật Điều ước quốc tế nói riêng và Luật công pháp quốc tế nói chung, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam năm 1973 (Hiệp định) là một ví dụ có ý nghĩa thực tiễn cao đồng thời liên quan đến nhiều lý luận pháp lý quốc tế. Những câu hỏi về cách kí Hiệp định, giải thích và thực hiện Hiệp định luôn là những câu hỏi cơ bản của Luật Điều ước quốc tế.

1. Vấn đề kí kết: Có một hay hai Hiệp định – Hậu quả pháp lý?

Tên gọi “Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam” thường được dùng chung để chỉ cả hai văn bản: một được kí giữa chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và chính phủ Hoa Kì; một được kí giữa các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam. Về mặt pháp lý quốc tế, tồn tại hai văn bản pháp lý quốc tế riêng biệt, với các chủ thể pháp lý khác nhau[1].

Vấn đề ở đây là tại sao phải kí hai Hiệp định? Trong nhiều tư liệu nghiên cứu, cách thức kí Hiệp định được khẳng định là một trong những vấn đề được các bên dành nhiều thời gian đàm phán. Lý do chính được nêu ra là vấn đề công nhận[2]. Trong Luật quốc tế, công nhận, cụ thể hơn là hậu quả pháp lý của công nhận, là một vấn đề gây nhiều tranh cãi, với các phe theo hai thuyế đối lập: thuyết tuyên bố và thuyết cấu thành. Tuy nhiên việc kí hiệp định Paris liên quan đến trường hợp công nhận ad-hoc là trường hợp không gây nhiều tranh cãi. Việc các bên cùng tham gia vào một hội nghị quốc tế hoặc kí kết một điều ước quốc tế được gọi là công nhận ad-hoc, chỉ nhằm mục đích thực hiện những vụ việc cụ thể đó và sẽ chấm dứt khi công việc đó hoàn thành. Vì không công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nên Hoa Kì lo sợ cả việc phải công nhận ad-hoc chính phủ này, một việc có ít ý nghĩa về mặt pháp lý quốc tế nhưng có nhiều ý nghĩa về chính trị, và do đó không muốn cùng kí vào một văn bản pháp lý với chính phủ này.

Tuy nhiên cuối cùng, với cả bốn bên cùng kí vào Hiệp định giữa các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam, những e ngại của Hoa Kì liên quan đến vấn đề công nhận không còn là lý do cho sự tồn tại của hai văn bản nữa.

Đến đây có một số lập luận  để coi hai Hiệp định này là hai văn bản tạo thành một điều ước quốc tế duy nhất. Một trong số đó là nội dung của hai Hiệp định giống nhau về cơ bản trừ Lời nói đầu và Điều 23 liên quan đến các bên kí kết các Hiệp định và thời điểm có hiệu lực của các Hiệp định. Hoặc có thể cho rằng Hiệp định bốn bên hoàn toàn có thể thay thế cho Hiệp định hai bên vì hai Hiệp định cụng điều chỉnh một vấn đề có nội dung như nhau, nhưng Hiệp định bốn bên có số lượng chủ thể kí kết rộng hơn và bao gồm cả những chủ thể kí kết Hiệp định hai bên.

Tuy nhiên, có những lập luận cho thấy rằng việc tồn tại hai Hiệp định riêng có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý riêng biệt.

Đối với các điều ước quốc tế cùng điều chỉnh một vấn đề nhưng được kí kết giữa các chủ thể khác nhau thì điều ước ra đời sau không làm mất hiệu lực của điều ước ra đời trước đó. Việc tồn tại đòng thời nhiều điều ước quốc tế cùng điều chỉnh một vấn đề là rất phổ biến trong Luật quốc tế. Điểm khác ở trường hợp Hiệp định Paris về Việt Nam là hai văn bản lại được kí kết cùng một ngày, với nội dung gần như hoàn toàn giống nhau.

Ý nghĩa pháp lý của việc coi đây là hai Hiệp định riêng trước hết liên quan đến nghĩa vụ ràng buộc mỗi bên kí kết trong mối liên hệ với các bên kí kết còn lại. Về nguyên tắc, các bên thành viên của một điều ước quốc tế cò thể viện dẫn việc bên kia không thực hiện những nghĩa vụ cam kết để hủy bỏ điều ước quốc tế. Trong trường hợp tồn tại hai Hiệp định riêng, các bên của Hiệp định hai bên bị ràng buộc chặt chẽ hơn vì họ đồng thời nằm trong hai chuỗi quan hệ: trong mối quan hệ của Hiệp định bốn bên và trong mối quan hệ của Hiệp định hai bên. Các bên của Hiệp định hai bên có thể vẫn bị ràng buộc bởi các quy định của Hiệp định (trong chừng mực liên quan giữa họ với nhau) ngay cả khi một trong các bên còn lại của Hiệp định bốn bên không thực hiện nghĩa vụ của họ theo Hiệp định. Quan điểm này có một số chi tiết chưa chặt chẽ. Thời điểm có hiệu lực của Hiệp định hai bên được quy định phụ thuộc vào việc kí kết Hiệp định bốn bên (điều 23) làm giảm tính độc lập của hai Hiệp định. Thêm nữa, trong cả hai Hiệp định đều quy định nhiều nghĩa vụ xen kẽ giữa các bên, hoặc cần có sự tham gia của cả bốn bên để được đảm bảo thi hành. Mặc dù vậy, khả năng tồn tại độc lập của hai Hiệp định này là không thể phủ nhận.

Với quan điểm tồn tại độc lập hai Hiệp định, một vấn đề nữa quan trọng của Luật Điều ước Quốc tế là vấn đề điều kiện có hiệu lực của điều ước quốc tế cũng sẽ được áp dụng độc lập với từng Hiệp định. Việc không thỏa mãn những điều kiện như: điều ước quốc tế phải được ký kết phù hợp với qui định của pháp luật các bên về thẩm quyền và thủ tục ký kết, hay điều ước quốc tế phải được kí kết dựa trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, về nguyên tắc, có thể làm mất hiệu lực của Hiệp định này nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của Hiệp định kia.

Về cơ bản, những phân tích trong phần này mang tính giả định, khái quát hóa từ một trường hợp cụ thể thành những phương án có thể xảy ra, nếu phát sinh bất đồng giữa các bên về những khía cạnh pháp lý của vấn đề nói đến. Mặc dù trên thực tế, các tranh chấp giữa các bên về các vấn đề pháp lý giả định nêu trên không xảy ra, nhưng tìm hiểu các nhìn nhận sự việc trên cơ sở luật pháp quốc tế là có ý nghĩa có những trường hợp tương tự có thể xảy ra.

2. Vấn đề giải thích Hiệp định.

Một khía cạnh nữa của Hiệp định liên quan đến Luật Điều ước quốc tế là vấn đề giải thích Điều ước. Giải thích được coi như một phần của thực hiện điều ước quốc tế vì việc áp dụng các điều khoản của một điều ước đòi hỏi các bên phải hiểu đúng và chính xác các qui định của điều ước.

Trong nhiều tư liệu, khi đề cập đến vấn đề giải thích và thực hiện Hiệp định, các nhà phân tích cho rằng “Hiệp định Paris cũng như các Nghị định thư viết bằng lời văn rõ ràng dứt khoát, không có câu chữ nào tối nghĩa nên khó có thể tưởng tượng được là có thể có hai sự giải thích khác nhau”[3]. Những phê phán về việc Chính phủ Hoa Kỳ đưa ra những giải thích xuyên tạc và sai lệch Hiệp định Paris[4] là hoàn toàn có căn cứ. Hoa Kỳ đã không tuân thủ một trong những nguyên tắc cơ bản để giải thích điều ước quốc tế là điều ước quốc tế phải được giải thích một cách thiện chí, xuất phát từ nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là tự nguyện thực hiện các cam kết quốc tế.

Các nguyên tắc cơ bản về giải thích điều ước quốc tế thường được nhắc đến bao gồm: giải thích theo văn phạm, theo logic, theo thực tiễn và theo tài liệu bổ sung. Việc kết hợp các nguyên tắc này là quan trọng để giải thích phù hợp với đối tượng và mục đích của điều ước. Tuy nhiên giải thích bằng cách nào đi chăng nữa thì cũng phải đam bảo được yêu cầu cơ bản là giải thích một cách thiện chí. Bởi lẽ, giải thích thiếu thiện chí bằng cách vận dụng một trong các phương pháp nêu trên đều có thể làm sai lệch nội dung của điều ước như trong các trường hợp phân tích dưới đây.

Trường hợp thứ nhất

Cùng với năm điều khoản nữa của chương II – Chấm dứt chiến sự – Rút quân, Điều 4 quy định: “Hoa Kỳ sẽ không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam”.

Việt Nam cho rằng cùng với Điều 4, những quy định về Điều 5 và Điều 6 về việc rút hoàn toàn khỏi miền Nam Việt Nam quân đội của Hoa Kỳ và các nước khác và việc hủy bỏ căn cứ quân sự của họ trong vòng 60 ngày, cũng như thủ tục trao đổi ý kiến giữa các bên và khả năng họp lại hội nghị quốc tế khi có vi phạm Hiệp định đã loại trừ hoàn toàn sự tái can thiệp vũ trang của Hoa Kỳ cho chính quyền Sài Gòn.

Tuy vậy, ngay sau khi ký Hiệp định, những quan chức trong chính phủ Hoa Kỳ đã khẳng định là về mặt pháp lý Hoa Kỳ không bị hạn chế khả năng tái can thiệp vũ trang vào miền Nam Việt Nam. Hoa Kỳ có thể tìm cách bao biện rằng trong khi Điều 2 qui định việc Hoa Kỳ chấm dứt mọi hoạt động quân sự chống lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và việc ngừng bắn là vững chắc và không thời hạn thì quy định “vững chắc và không thời hạn” này lại không có ở trong Điều 4.

Cũng về vấn đề này ở phạm vi rộng hơn, Việt Nam cho rằng Luật quốc tế nói chung đã tuyệt đối cấm đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng dùng vũ lực (Điều 2, khoản 4 Hiến chương Liên Hợp Quốc) thì Hoa Kỳ lại biện hộ cho những khả năng can thiệp vũ trang trên cơ sở điều 51 Hiên chương Liên Hợp Quốc về ngoại lệ sử dụng vũ lực để thực hiện quyền tự vệ cá nhân và tập thể.

Trường hợp thứ hai.

Liên quan đến chương IV, cần thấy rõ rằng, thỏa thuận Hoa Kỳ cam kết tôn trọng những nguyên tắc thực hiện quyền dân tộc tự quyết cảu nhân dân miền Nam Việt Nam (Điều 9) không phải là một việc dễ dàng đạt được. Trước năm 1973, Hoa Kỳ đã nhiều lần từ chối công nhận quyênt dân tộc tự quyết của các dân tộc. Năm 1952, Hoa Kỳ là nước duy nhất đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Tiểu ban nhân quyền Liên Hợp Quốc công nhận quyền tự quyết của các dân tộc và các quốc gia. Năm 1960, Hoa Kỳ đã bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết trao trả quyền độc lập cho các nước và các dân tộc thuộc địa của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Thực tế, Hoa Kỳ thường viện lý lẽ đã bỏ phiếu chống hoặc phiếu trắng đối với các nghị quyết như trên để không tôn trọng quyền tự quyết và độc lập các dân tộc[5]. Trong vấn đề Việt Nam, cơ sở pháp lý Hoa Kỳ dùng để biện minh cho sự can thiệp của mình là theo yêu cầu của chính quyền Sài Gòn, một chính quyền chỉ thực chất phục vụ cho các ý đồ của Hoa Kỳ.

Từ những quy định tại chương IV, Việt Nam cho rằng địa vị pháp lý của Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam là không thể tranh cãi bởi những quy định được nhắc đi nhắc lại trong cả Chương IV về việc hai bên miền Nam Việt Nam cùng cam kết tôn trọng ngừng bắn, thực hiện hòa giải, hòa hợp dân tộc, hiệp thương để thành lập Hội đồng quốc gia hòa giải và hòa hợp dân tộc. Việt Nam cho rằng một khi đã ký vào Hiệp định với những nghĩa vụ tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, Hoa Kỳ không thể tuyên bố “tiếp tục công nhậ chính phủ Việt Nam cộng hòa là chính phủ chân chính duy nhất của miền Nam Việt Nam”.

Ngược lại Hoa Kỳ, nhân mạnh rằng việc tham gia đàm phán và ký kết với Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam không có nghĩa là Hoa Kỳ chuyển từ việc không công nhận sang công nhận chính phủ đó.

Trường hợp thứ ba

Cam kết của Hoa Kỳ về bồi thường chiến tranh được quy định trong Điều 21 như sau: “Hoa Kỳ mong rằng Hiệp định sẽ mang lại một thời kỳ hòa giải với Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng như với tất cả các dân tộc ở Đông Dương. Theo chính sách truyền thống của mình, Hoa Kỳ sẽ đóng góp vào việc hàn gắn những vết thương chiến tranh và công cuộc xây dựng sau chiến tranh ở Việt Nam dân chủ cộng hòa và toàn Đông Dương”.

Các nhà nghiên cứu Việt Nam khẳng định đây là một cam kết trong một điều ước quốc tế và do đó có tính ràng buộc pháp lý. Hơn nữa, trách nhiệm chính trị và vật chất của Hoa Kỳ bắt nguồn từ hành động chiến tranh xâm lược Việt Nam của Hoa Kỳ. Ở đây, chúng ta phải đối đầu với vấn đề khái niệm trong Luật quốc tế. Xâm lược hay chiến tranh xâm lược dùng để chỉ hình thức sử dụng vũ lực bị luật quốc tế lên án mạnh mẽ. Tuy nhiên, chưa có một khái niệm thống nhất có hiệu lực pháp lý ràng buộc về chiến tranh xâm lược trong Luật quốc tế. Mặc dù cộng đồng quốc tế đã có những nỗ lực trong vấn đề này như thông qua các Tuyên bố và Nghị quyết về định nghĩa xâm lược tại Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc, nhưng những văn bản này không có giá trị pháp lý ràng buộc. Thậm chí nếu có những quy phạm pháp lý quốc tế điều chỉnh vấn đề này thì cũng không phải đã có nhiều bảo đảm là các cường quốc sẽ tự nguyện thi hành. Trong tất cả các cuộc xung đột vũ trang xảy ra, bao giờ tất cả các bên liên quan cũng khẳng định hành vi của họ không phải là xâm lược. Điều này không có nghĩa là dư luận quốc tế sẽ khó khăn trong việc lên án kẻ xâm lược, nhưng lên án từ góc độ luật pháp quốc tế lại là điều hoàn toàn khác. Mặc dù Hiệp định quy định nghĩa vụ của Hoa Kỳ “chấm dứt mọi hành động quân sự chống lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa” cũng như nghĩa vụ của Hoa Kỳ “không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam về bản chất không có gì khác là nghĩa vụ của Hoa Kỳ chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam nhưng từ xâm lược hoàn toàn không được dùng đến trong Hiệp định.

Với việc đưa cụm từ “theo chính sách truyền thống của mình” vào Điều 21, Hoa Kỳ quay sang giải thích rằng nội dung Điều 21 không có giá trị ràng buộc pháp lý mà chỉ là một lời hứa hẹn, giống như một lời hứa viện trợ kinh tế thông thường cho một nước nào đó muốn được Hoa Kỳ giúp đỡ. Sau đó Hoa Kỳ lại tiếp tục phủ nhận lời cam kết trong Điều 21 với sự giải thích rằng, “trong các cuộc thương lượng Hoa Kỳ chưa có một sự cam kết nào đối với cộc cuộc xây dựng lại và ổn định dân cư”[6]; và “Hoa Kỳ cho rằng vấn đề viện trợ cho Bắc Việt Nam sẽ được thảo luận trong bối cảnh thời bình, quan hệ thời bình, chứ không phải như kết cục của cuộc đàm phán chấm dứt chiến tranh”[7]. Với tinh thần thiện chí như vậy thì không có gì là lạ là trong thời bình Hoa Kỳ cũng dễ dàng tìm được cớ để không thực hiện trách nhiệm bồi thường chiến tranh của mình.

Trong các trường hợp nêu trên, Hoa Kỳ đã áp dụng những phương pháp giải thích theo văn phạm (trên cơ sở cấu tạo nghĩa của từ,…), theo logic (trên cơ sở so sánh một số điều khoản của điều ước,…) một cách thiên lệch, rời rạc, đặc biệt là thiếu thiện chí nhằm đi ngược lại với mục đích và tinh thần chủ đạo của công ước khiến công ước bị bóp méo hoàn toàn theo ý của họ.

Vậy mục đích của và đối tượng của Hiệp định Paris là gì?

Lời nói đầu của Hiệp định viết: “Nhằm mục đích chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam trên cơ sở tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và các quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam, góp phần củng cố hòa bình ở châu Á và thế giới.

Điều 1 cũng nêu rõ: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận”. Đây là điều khoản duy nhất trong Chương I – Các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam. Tuy vậy, nội dung này lại bao quát toàn bộ Hiệp định Paris, thể hiện một nguyên tắc xuyên suốt và làm nền tảng cho mọi thỏa thuận giữa các quyền của Việt Nam: độc lập, thống nhất, có chủ quyền và có lãnh thổ toàn vẹn.

Tuy nhiên, bất chấp những lập luận này, Hoa Kỳ vẫn giải thích sai lệch Hiệp định Paris vì các lý do sau:

Thứ nhất, điểm không rõ ràng của luật quốc tế là không quy định ai là người quyết định đâu là mục đích của một điều ước và như thế nào là giải thích thiện chí? Khi tiến hành giải thích, các bên tự quyết định vấn đề này, nên mục đích của điều ước là hiển nhiên theo cách nghĩ của bên này lại không hiển nhiên theo lập luận của bên kia, chưa nói đến những khái niệm khó xác định hơn như giải thích thế nào là thiện chí hay không thiện chí.

Thứ hai, Hoa Kỳ dựa trên một điếm yếu nữa của Luật quốc tế là thiếu những quy phạm cụ thể điều chỉnh mọi lĩnh vực, khía cạnh trong quan hệ quốc tế giữai các quốc gia. Để áp dụng Luật quốc tế giải quyết những trường hợp cụ thể, cần phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản rồi vận dụng vào từng trường hợp theo tinh thần chủ đạo của các nguyên tắc đó. Tuy nhiên, do những mâu thuẫn quyền lợi giữa các quốc gia hay sự đối đầu của các hệ tư tưởng – chính trị trước đây, ngay cả những nguyên tắc cơ bản nào là nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế hay hiểu thế nào là những nguyên tắc đó cũng không phải đã có sự thống nhất chung trong cộng đồng quốc tế. Vì thế Hoa Kỳ đã tận dụng mọi cách giải thích có thể, một cách không thiện chí, trong trường hợp Hiệp định Paris về Việt Nam.

Thứ ba, Hoa Kỳ dựa trên đặc điểm cơ bản của luật pháp quốc tế là không có cơ quan nào đứng trên các quốc gia cưỡng chế thi hành, cũng không có một cơ quan nào đương nhiên có thẩm quyền giải thích các quy phạm luật quốc tế. Việc thỏa thuận xây dựng luật quốc tế, giải thích và thi hành luật quốc tế đều được thực hiện dựa trên chính ý chí của các quốc gia. Đây là một lý do khiến cho một số quốc gia bất chấp dư luận tiến bộ trong nước và trên thế giới, có thể dễ dàng lẩn tránh việc thi hành các nghĩa vụ quốc tế của mình.

Sau cùng, cần khẳng định rằng Hiệp định Paris là một thắng lợi của cuộc đấu tranh pháp lý, quân sự, ngoại giao và chính trị lâu dài của nhân dân ta. Xét về khía cạnh pháp lý, nội dung của Hiệp định Paris thẻ hiện rõ chúng ta đã đạt được những yêu cầu cơ bản, có tính nguyên tắc. Với Hiệp định Paris, chúng ta đã chiến thắng trên mặt trận đấu tranh pháp lý, góp phần quan trọng cho việc thống nhất đất nước, giành được độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ hoàn toàn chỉ 2 năm sau đó.

Vấn đề thực hiện điều ước quốc tế nói chung và giải thích điều ước quốc tế nói riêng, như đã phân tích ở trên, phụ thuộc không nhiều vào những quy định cụ thể của mỗi điều ước mà bị chi phối chủ yếu bởi những đặc điểm của luật quốc tế nói chung. Những đặc điểm đó của luật quốc tế, về cơ bản, không mấy thay đổi từ thời điểm ký kết Hiệp định Paris cho đến nay. Những kinh nghiệm từ thực tiễn về thi hành và giải thích Hiệp định Paris, do đó, có ý nghĩa chung nhằm xây dựng một cách tiếp cận dựa trên những đặc điểm của luật quốc tế trong các vấn đề tương tự.

Tài liệu tham khảo

  1. Tạp chí Luật học, “Hiệp định Paris về Việt Nam – Những vấn đề pháp lý cơ bản”, Viện Luật học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1973, tr27-28.
  2. Xem Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, Bộ Ngoại giao, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002
  3. Hiên chương Liên Hợp Quốc
  4. Công ước Viên năm 1969 về Luật Điều ước quốc tế
  5. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ, và các Nghị định thư của Hiệp định.
  6. Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” giữa các bên tham gia Hội nghị Paris về Việt Nam, và các Nghị định thư của Hiệp định.
  7. Nghị quyết 3314 về định nghĩa “xâm lược” được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua ngày 14/12/1974.
  8. Malcom. N. Shaw, International Law, Grotius Publications, Cambridge University Press, 1997.
  9. Anthony Aust, Modern Treaty Law and Practice, Cambridge University Press, 2000.

[1] “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Hoa Kỳ; “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” được ký giữa Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Hoa Kỳ, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

[2] Xem Ngoại giao Việt Nam 1945 – 2000, Bộ Ngoại giao, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội 2002.

[3] Đỗ Xuân Sáng, “Đấu tranh đòi thi hành Hiệp định”, Tạp chí Luật học. Tập đặc biệt. Hiệp định Paris về Việt Nam. Những vấn đề pháp lý cơ bản. 8/1973

[4] Xem chú thích số 3

[5] Nguyễn Ngọc Minh, “Các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và các quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam Việt Nam”, Tạp chí Luật học, VIện Luật học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, 1973, tr.27-28

[6] Uy-li-em Râu giơ phát biểu trước Ủy ban Đối ngoại Hạ Nghị viện Mỹ ngày 8/2/1973, Tạp chí Luật học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt  Nam, 1973 tr.109.

[7]  Kít-sing-giơ phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình ngày 1/2/1973, Tạp chí Luật học, Viện Luật học, Ủy ban Khoa học xã hội Việt  Nam, 1973 tr.109.

Thảo luận

Không có bình luận

Bình luận về bài viết này

Thống kê

  • 101 781 views
àd