>>
You're reading...
Công pháp quốc tế

Phần 6: Điều ước quốc tế

Nói đến pháp luật, người ta thường nghĩ ngay đến những văn bản luật với các điều khoản được sắp xếp theo thứ tự. Cũng tương tự như luật quốc gia, luật quốc tế cũng có một hệ thống tương đối các văn bản pháp luật như vậy, cấu thành một nguồn quan trọng của Luật quốc tế. Ở phần 5 – Nguồn của Luật quốc tế, chúng ta đã biết Luật quốc tế gồm các nguồn chủ yếu là Điều ước quốc tế và Tập quán quốc tế. Bài viết này đề cập một số vấn đề cơ bản trong tìm hiểu về Điều ước quốc tế.

Điều ước quốc tế, với một định nghĩa tương đối thống nhất, được hiểu là “một hiệp định quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và bất kể tên gọi riêng của nó là gì” [1]

Như vậy, một điều ước quốc tế có thể được đặt tên là Công ước,  Hiệp ước, Hiệp định, Hiến chương, Quy chế, Tuyên bố… tùy theo sự thỏa thuận của các quốc gia tham gia vào Điều ước quốc tế mà không ảnh hưởng tới bản chất của văn bản được ký kết – sự ràng buộc tự nguyện đối với các quyền và nghĩa vụ pháp lý giữa các quốc gia với nhau. Sự chấp nhận ràng buộc đó cũng có thể được thể hiện ở những hành động khác nhau như “ký kết, phê chuẩn, chấp thuận, phê duyệt hoặc gia nhập, hoặc bằng mọi cách khác được thỏa thuận như vậy” [2]

Ngày nay, cùng với việc phát triển của sự tương tác giữa các quốc gia, điều ước quốc tế đã bao trùm lên mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế như an ninh quốc tế, hàng không vũ trụ, môi trường, khoa học công nghệ, thương mại quốc tế,… Các điều ước quốc tế điển hình là Hiến chương LHQ, Công ước Geneva về sự đối xử nhân đạo với tù binh, hàng binh chiến tranh, Công ước Viên về quan hệ lãnh sự, Công ước Luật Biển 1982…

Trình tự tạo nên một điều ước quốc tế thông thường bao gồm:

–          Đàm phán, soạn thảo và thông qua văn bản: thỏa thuận, thương lượng giữa các quốc gia về quyền, nghĩa vụ của các bên ghi nhận trong nội dung văn bản điều ước.

–          Ký kết: là bước quan trọng nhất, thể hiện trực tiếp sự chấp nhận ràng buộc đối với điều ước quốc tế. Được thực hiện bởi đại diện quốc gia (nguyên thủ quốc gia, thủ tướng, bộ trường Bộ Ngoại giao, trường phái đoàn ngoại giao).Điều ước được ký kết sẽ phát sinh hiệu lực tùy theo quy định của từng quốc gia.

hoặc

Phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập: hành vi pháp lý xác nhận sự ràng buộc đối với một điều ước quốc tế nhất định mà không qua hành động ký kết được qui định trong điều ước đó.

Điều ước quốc tế được ký kết dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Tự nguyện, bình đẳng trong quá trình ký kết điều ước quốc tế, theo đó, nếu một quốc gia ký kết điều ước quốc tế một cách miễn cưỡng hay bị lừa gạt thì điều ước đó không có hiệu lực áp dụng với quốc gia này.
  • Điều ước quốc tế phải có nội dung phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế <điều đương nhiên, khỏi phải bàn nhiều>
  • Nguyên tắc Pacta sunt servanda – Tận tâm, thiện chí thực hiện. Nguyên tắc này dựa trên nền tảng nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế: tận tâm thực hiện các cam kết quốc tế.

Như vậy, xét về bản chất và cũng theo nguyên tắc thứ nhất của việc ký kết điều ước quốc tế, các điều ước quốc tế chỉ có hiệu lực áp dụng với các quốc gia tự nguyện ký kết. Song trên thực tế, vẫn có những trường hợp một quốc gia thứ ba (hay quốc gia không tham gia ký kết điều ước quốc tế) hành động theo những nghĩa vụ mà điều ước này qui định. Điều này có thể lý giải rằng, những qui phạm của điều ước đó đã tự nó vượt ra khỏi sự giới hạn của điều ước được ký kết, trở thành một cách xử sự chung được nhiều hơn các quốc gia ký kết điều ước chấp nhận như là luật. Đối với các quốc gia thứ ba này, quy phạm mà họ tự nguyện thực hiện là luật, chứ không phải bản thân điều ước.

Về vấn đề bảo lưu điều ước quốc tế

Điều ước quốc tế được ký kết dựa trên ý chí chủ quan của từng quốc gia, tự nguyện ký kết và tận tâm thực hiện. Trừ trường hợp một quốc gia cảm thấy điều ước quốc tế không đem lại lợi ích gì cho mình và quyết định dứt khoát là không tham gia, hay cảm thấy một điều ước khác đem lại những lợi ích hoàn toàn và tham gia ký kết đầy đủ, thì trường hợp một quốc gia không hoàn toàn chấp thuận tất cả các điều khoản của một điều ước không phải là hiếm. Từ đó, cơ chế bảo lưu điều khoản của điều ước quốc tế ra đời và được qui định cụ thể tại chương II, phần 2, Công ước Viên về Luật điều ước quốc tế 1969.

Theo đó, “thuật ngữ “bảo lưu” được dùng để chỉ một tuyên bố đơn phương, bất kể cách viết hoặc tên gọi như thế nào, của một quốc gia khi đưa ra ký kết (…) điều ước đó, nhằm qua đó mà loại bỏ hoặc sửa đổi tác dụng pháp lý của một số quy định của điều ước trong việc áp dụng chúng đối với quốc gia đó” [4]

Có nhiều vấn đề để bàn về bảo lưu, nhưng bài viết này chỉ giới hạn tới việc chấp thuận và bác bỏ bảo lưu của các quốc gia cùng tham gia ký kết với quốc gia tuyên bố bảo lưu. Việc bảo lưu phải thỏa mãn những điều kiện: điều ước cho phép bảo lưu, việc bảo lưu nằm trong phạm vi qui định của điều ước, không đi ngược lại mục tiêu cốt lõi của điều ước hay các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế, tập quán quốc tế.

Việc bảo lưu sẽ có hiệu lực trong mối quan hệ giữa quốc gia bảo lưu với từng quốc gia không phản đối (chấp thuận) sự bảo lưu đó. Trong trường hợp một quốc gia bảo lưu và một quốc gia khác phản đối bảo lưu thì điều khoản bảo lưu không tồn tại trong mối quan hệ giữa hai quốc gia (các điều khoản khác vẫn tồn tại bình thường).

Với cơ chế ký kết như vậy, điều ước quốc tế, nhìn chung, đã làm tốt vai trò của mình, như một chất keo kết dính các quốc gia, đảm bảo ổn định cho sự vận hành của một cộng đồng quốc tế đang ngày càng được mở rộng.

————————————————–

[1], [2], [3]: Xem các điểm a, d khoản 1, Điều 2 và  Điều 11 Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế 1969.

Thảo luận

12 bình luận về “Phần 6: Điều ước quốc tế

  1. Ban cho minh hoi, neu 1 quoc gia thu 3 khong tham gia dieu uoc nhung chap nhan 1 so dieu khoan cua dieu uoc do khi co tranh chap tai toa, thi dieu uoc doi voi quoc gia do co the duoc xem la tap quan quoc te duoc khong

    Posted by minh | 02/02/2013, 6:16 chiều
    • Chào bạn,
      Trước hết cảm ơn bạn vì đã quan tâm tới blog của mình 🙂
      Về câu hỏi của bạn, theo mình, câu trả lời là không/chưa phải tập quán quốc tế. Điều kiện để trở thành tập quán quốc tế là (1) thực tiễn quốc gia: CÁC quốc gia có hành vi nhất quán, liên tục, và (2) thái độ coi như là luật (opinio juris), có nghĩa là quốc gia thực hiện hành vi đó với ý nghĩ đó là luật và mình đang thực hiện pháp luật. Mình xin lấy một ví dụ trong thực tế: bạn có một cô bạn gái (mình xin lỗi vì không biết bạn là nam hay nữ :”> ), và mỗi khi hai bạn đi chơi đâu bạn đều phải đến đón cô ấy chứ không phải cô ấy đến đón bạn. Bạn thực hiện việc này nhiều lần với thái độ coi đó là “luật”, và như vậy trong trường hợp này, một “tập quán” được hình thành giữa bạn và người bạn gái.
      Trường hợp mà bạn đề cập đến mới chỉ thỏa mãn yếu tố thứ 2 của tập quán là “thái độ coi như luật” chứ chưa rõ có hình thành thực tiễn quốc gia, nên chưa thể khẳng định đó là tập quán được.
      Hy vọng phản hồi của mình có ích cho bạn 🙂

      Posted by Sugar | 03/02/2013, 8:34 chiều
  2. bạn cho mình hỏi là làm thế nào để phân tích đk khái niệm ĐUQT theo luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT của VN 14/6/2005 ?

    Posted by hảo | 14/04/2013, 6:48 sáng
    • Chào bạn,

      Mình chưa rõ bạn hỏi “làm thế nào để phân tích được” tức là sao. Theo mình thì để phân tích được trước hết cần xác định mục đích phân tích: bạn phân tích khái niệm này trên khía cạnh nào: hình thức ĐƯQT, chủ thể ký kết, tên gọi hay mục đích của loại hình này.

      Phân tích chung nhất thì như sau:

      Theo Điều 2 Luật ký kết, gia nhập và thực hiện ĐƯQT của VN thì: “Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập là thỏa thuận bằng văn bản được ký kết hoặc gia nhập nhân danh Nhà nước hoặc nhân danh Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với một hoặc nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế, không phụ thuộc vào tên gọi là hiệp ước, công ước, hiệp định, định ước, thỏa thuận, nghị định thư, bản ghi nhớ, công hàm trao đổi hoặc văn kiện có tên gọi khác.”

      So sánh với khái niệm ĐƯQT trong công ước Viên 1969 về Luật ĐƯQT thì ta có :”Thuật ngữ “điều ước” dùng để chỉ một thỏa thuận quốc tế được ký kết bằng văn bản giữa các quốc gia và được pháp luật quốc tế điều chỉnh, dù được ghi nhận trong một văn kiện duy nhất hoặc trong hai hay nhiều văn kiện có quan hệ với nhau và với bất kể tên gọi riêng của nó là gì.”

      Như vậy, nhìn chung, định nghĩa ĐƯQT trong pháp luật VN giống với định nghĩa ĐƯQT trong pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, có 1 điểm khác là định nghĩa ĐƯQT trong công ước Viên chỉ nói tới ĐƯQT được ký kết giữa các chủ thể là quốc gia, trong khi trong luật VN các chủ thể còn có thể là “tổ chức quốc tế hoặc chủ thể khác của pháp luật quốc tế”.

      Có thể lý giải cho điểm này là, vì công ước Viên 1969 là công ước điều chỉnh ĐƯQT được ký kết giữa các quốc gia với nhau. Còn ĐƯQT được ký kết có ít nhất 1 bên chủ thể không phải quốc gia mà là chủ thể khác của pháp luật quốc tế thì được điều chỉnh bằng công ước khác, hình như tên là “Công ước Viên 1973 về Luật điều ước quốc tế giữa quốc gia và tổ chức quốc tế” thì phải (cái tên này mình không chắc, nhưng chắc chắn có 1 công ước có nội dung mà mục đích điều chỉnh như vậy.

      Cảm ơn bạn.

      Posted by Sugar | 14/04/2013, 12:13 chiều
  3. bạn ơi, cho mình hỏi 1 số vấn đề :
    – các chủ thể không tham gia kí kết ĐƯQT có phải tôn trọng các ĐƯQT của các nước khác không?
    – thứ bậc của các ĐƯQT?
    – ĐƯQT nào có giá trị phổ biến nhất ?
    cám ơn bạn !

    Posted by Tiểu Đường | 25/05/2013, 9:50 chiều
    • Chào bạn,
      Về câu hỏi của bạn, mình xin trả lời như sau (dựa trên kiến thức và sự nắm bắt vấn đề của mình):
      1. Các chủ thể không tham gia ký kết ĐƯQT (nào đó) không cần phải tuân thủ nghĩa vụ đặt ra cho các quốc gia thành viên của ĐƯQT này, TRỪ KHI các nghĩa vụ đó cũng tồn tại trong TẬP QUÁN QUÔC TẾ.

      2. Không có thứ bậc nào giữa các ĐƯQT, theo như mình biết. Có thể nói là 1 ĐƯTQ mang tên “Công ước” với 1 ĐƯQT mang tên “Nghị định thư” hay “Hiệp ước”…, thì không văn bản nào có giá trị pháp lý mạnh hơn văn bản nào; (không giống như trong luật VN chẳng hạn, “Luật” thì cao hơn “Nghị định”, “Nghị định” thì cao hơn “Thông tư”, “Thông tư” thì cao hơn “Quyết định”…)

      3. Theo mình thì ĐƯQT có giá trị phổ biến nhất là Hiến chương Liên hợp quốc.

      Posted by Sugar | 26/05/2013, 11:49 chiều
  4. Chào bạn, mình đã đọc các phần viết về Luật Quốc tế. Tuy nhiên có 1 điều mình chưa rõ, đó là về Vai trò của Điều ước quốc tế trong hệ thống nguồn của LQT.
    Được biết giữa ĐUQT và TQQT có hiệu lực pháp lý như nhau, không cái nào quan trọng hơn cái nào, rằng ĐƯQT là 1 bộ phận tạo nên nguồn của LQT, và những ưu thế của nó so với TQQT.
    Vậy nó đóng vai trò gì trong hệ thống nguồn này, có vai trò nào mà chỉ có ĐƯQT có mà TQQT không có không? Bạn có thể giải thích rõ giúp mình được không?
    Chân thành cảm ơn.
    Mail của mình là narcissus234@gmail.com . Nếu bạn có thời gian, mình hy vọng có thể được trao đổi với bạn về điều này.

    Posted by Nar | 30/09/2013, 3:55 chiều
  5. Xin chào bạn

    Cho mình hỏi 01 Record of Discussion (R/D): (Tạm dịch là biên bản thỏa thuận) ký giữa một Bộ/Ngành của Việt Nam với 01 cơ quan nước ngoài (VD: JICA, KOICA) thì có được gọi là điều ước quốc tế hay chỉ là thỏa thuận quốc tế?

    Cảm ơn

    Posted by Linh Hong Nguyen | 21/11/2013, 4:07 chiều
  6. các hành vi nào sẽ ràng buộc quốc qia với các điều ước quốc tế

    Posted by anh | 06/12/2013, 11:11 sáng
  7. Bạn cho mình hỏi: Loại điều ước quốc tế nào cho phép bảo lưu. Tks bn!

    Posted by Đề | 07/10/2014, 11:55 sáng
  8. Reblogged this on susiepotus and commented:
    Phân tích điều ước quốc tế theo CƯ Vienne 1969

    Posted by susiepotus | 10/12/2014, 5:52 sáng
  9. Cho hỏi các hành vi nào ràng buộc quốc gia với điều ước quốc tế ạ?

    Posted by Hoài | 05/12/2015, 7:55 chiều

Gửi phản hồi cho minh Hủy trả lời

Thống kê

  • 101 693 views
àd