>>
You're reading...
Công pháp quốc tế

Phần 1a: Mở đầu Luật quốc tế

Kể từ sau sự kiện tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu cá Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, dư luận trong nước dấy lên mối lo ngại và chính quyền Việt Nam cũng đã lên tiếng về hành vi vi phạm trắng trợn Luật pháp quốc tế từ phía Trung Quốc về quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Hơn lúc nào hết, người ta được nghe nhắc đến Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) trên các bản tin thời sự, báo chí với tần suất dày đặc. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, những phong trào phản đối Trung Quốc vi phạm Luật pháp quốc tế diễn ra cực kỳ sôi nổi.

Sự kiện trên nêu ra một hoàn cảnh mà Luật quốc tế đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, Luật quốc tế không chỉ là việc của riêng hai nước Việt Nam, Trung Quốc; không chỉ điều chỉnh cư xử của Việt Nam, Trung Quốc trong mối liên quan tới lợi ích trên biển Đông, mà còn có vai trò trong các quan hệ quốc tế giữa các quốc gia trên toàn thế giới, và cũng đang mở rộng vai trò của mình cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Để nghiên cứu bất cứ ngành khoa học nào, trong đó có Luật quốc tế, chúng ta nên đi từ nền tảng chung nhất. Phần 1 này nhằm đưa ra những khái niệm định hướng và vài đặc trưng cơ bản của Luật quốc tế. Chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu từ những vấn đề sơ đẳng nhất từ đây.

Về định nghĩa

Có rất nhiều khái niệm được dùng để định nghĩa “Luật quốc tế”, trong đó, mỗi khái niệm có một cách tiếp cận khác nhau. Chẳng hạn, bách khoa toàn thư mở Wikipedia (tiếng Anh) định nghĩa: “International law is the set of rules generally regarded and accepted as binding in relations between states and nations. It differs from national legal systems in that it only concerns nations rather than private citizens. National law may become international law when treaties delegate national jurisdiction to suprational tribunals such as the European Court of Human Rights or the Interational Criminal Court”.

<tạm dịch là> “Luật quốc tế là một tập hợp những luật lệ được chấp nhận chung ràng buộc trong mối quan hệ giữa các quốc gia. Luật quốc tế  khác với hệ thống pháp luật quốc gia ở chỗ nó chỉ quan tâm đến các quốc gia chứ không phải từng công dân riêng biệt. Luật quốc gia có thể trở thành luật quốc tế khi có các điều ước quốc tế ủy quyền tài phán quốc gia cho các tòa án siêu quốc gia như Tòa án Nhân quyền Châu Âu hoặc Tòa án Hình sự quốc tế.”

Tuy nhiên, ta có thể thấy định nghĩa của Wikipedia còn tương đối chung chung khi chỉ đề cập đến sự ràng buộc giữa các quốc gia. Mặc dù đó là nội dung chủ yếu của luật quốc tế, nhưng chưa phải là tất cả. Một sự lý giải cho điều này có thể là, Wikipedia muốn đưa ra định nghĩa khái quát, phổ thông nhất cho dễ hiểu chăng?

Không phổ quát như định nghĩa trên, một định nghĩa rất gần gũi với chúng ta – định nghĩa trong giáo trình – lại muốn thâu tóm thật nhiều khía cạnh của Luật quốc tế: “Luật quốc tế (hay còn gọi là Công pháp quốc tế), là một hệ thống các nguyên tắc và qui phạm pháp luật, được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng, nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế” [1]


Luật quốc tế sinh ra từ những "cái bắt tay" giữa các quốc gia

Xem xét định nghĩa trên, trừ đoạn “là một hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật” là chuyện đương nhiên (Luật quốc tế mà), ta thấy có mấy điểm cần chú ý sau đây:

  • được các quốc gia và chủ thể khác của Luật quốc tế…”: điều này có nghĩa rằng, quốc gia là một loại chủ thể của Luật quốc tế.
  • thỏa thuận tạo dựng nên, trên cơ sở tự nguyện và bình đẳng”: cách thức làm ra Luật quốc tế (là thỏa thuận, tự nguyện và bình đẳng).
  • nhằm điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể khác của Luật quốc tế..”: mục đích, đối tượng điều chỉnh của Luật quốc tế.

Như vậy, định nghĩa trong giáo trình đã bao trùm cả chủ thể, phương thức xây dựng và đối tượng điều chỉnh của Luật quốc tế. Có thể nhiều người cảm nhận rằng một định nghĩa ôm đồm như vậy dễ làm người đọc/người học loãng và bối rối, nhưng ít ra, ta biết được mình chuẩn bị nghiên cứu những đề mục gì tiếp theo trong vấn đề này.

Chủ thế Luật quốc tế

Chủ thể cơ bản tham gia vào các quan hệ pháp luật quốc tế, chịu sự điều chỉnh của Luật quốc tế là các quốc gia. Các chủ thể không phải là quốc gia được gọi là chủ thể phái sinh, bao gồm Tổ chức quốc tế (liên chính phủ) và dân tộc đang đấu tranh giành quyền tự quyết. Chủ thể là quốc gia được phân biệt với các chủ thể khác bởi đặc tính pháp lý là chủ quyền.

Ngoài chủ thể đã được xác định tường minh là các quốc gia và chủ thể phái sinh là các tổ chức quốc tế liên chính phủ, ta có thể nhận thấy, trong những tài liệu và nguồn thông tin khác nhau (thường là những nguồn phổ thông, ít mang tính hàn lâm), có những nguồn còn đề cập đến cá nhân và pháp nhân cũng như là chủ thể của Luật quốc tế, trong khi có nguồn thì không nói như vậy. Có hai khía cạnh tiếp cận về vị trí của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ pháp luật có tính chất quốc tế ở vấn đề này. Một là, cá nhân, pháp nhân của các quốc gia khác nhau tham gia vào các quan hệ pháp luật mà ở đó có sự mâu thuẫn giữa nội luật của các quốc gia liên quan. Hai là, cá nhân có quyền và nghĩa vụ được qui định trong các Điều ước quốc tế, chẳng hạn như các qui phạm về quyền con người hay trách nhiệm pháp lý về tội ác chiến tranh hay chống lại loài người… Thực chất, trong hai trường hợp trên, liệu cá nhân, pháp nhân có phải là chủ thể của luật quốc tế không, chúng ta hãy gác lại để bản kỹ trong những phần sau.

Mục đích của Luật quốc tế

Ta nên bắt đầu bàn luận về mục đích của Luật quốc tế với việc nhớ lại mục đích của Luật quốc gia. Trong môn Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, pháp luật (quốc gia) được tạo ra nhằm thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, áp đặt các qui tắc xử sự nhằm bảo vệ trật tự xã hội cũng như quyền lợi của giai cấp mình.

Trên bình diện quốc tế, rõ ràng không có đối tượng nào được gọi là “giai cấp thống trị”. Thế thì Luật quốc tế thể hiện ý chí của ai, bảo vệ lợi ích cho ai, không thể lấy tiêu chuẩn của luật quốc gia để so sánh. Cái nhìn thực tế nhất nên xuất phát từ vấn đề toàn cầu hóa. Khi thế giới trở nên phẳng hơn, giao tiếp quốc tế mở rộng hơn, các quốc gia tương tác với nhau dễ dàng hơn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, công nghệ, khoa học kỹ thuật,… thì những sự va chạm cũng có nguy cơ xảy ra cao hơn. Luật quốc tế ra đời để gánh vác trách nhiệm duy trì, điều chỉnh các quan hệ hợp tác quốc tế giữa các chủ thể và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của của họ (tất nhiên, đảm bảo quyền của chủ thể này phải đòi hỏi nghĩa vụ của chủ thể khác tương ứng, trong từng trường hợp xác định).

Toàn cầu hóa dẫn đến sự phát triển của Luật quốc tế

 

Phương thức hình thành

 

Khác với luật quốc gia được tạo nên bởi cơ quan lập pháp (thường có tên là Quốc hội hay Nghị viện), Luật quốc tế không được áp đặt đơn phương như vậy. Theo giáo sư Serge Sur trong cuốn “Quan hệ quốc tế”, Luật quốc tế có bốn đặc điểm cơ bản thì một trong số đó là “không có cơ quan lập pháp” (ba đặc điểm còn lại là Thiếu những qui tắc hiến định, Không có cơ quan hành pháp và Không có cơ quan tài phán bắt buộc) [2].

 

Rất dễ dàng để công nhận rằng Luật quốc tế do các chủ thể của Luật quốc tế cùng nhau thỏa thuận lập nên. “Nói cách khác, các quốc gia vừa là nhà làm luật vừa là người thi hành luật (giống như các bên tham gia hợp đồng)”. Tuy nhiên, hai chữ “thỏa thuận” sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ đôi chút. Trong luật quốc gia, khó có chuyện ai “thỏa thuận” với cơ quan lập pháp về việc xây dựng một điều luật, nhưng đây lại là phương thức hình thành chính yếu của Luật quốc tế. Nguyên nhân cốt lõi ở đây chính là vấn đề quyền bình đẳng giữa các quốc gia. Vì mỗi quốc gia có quyền bình đẳng và theo đuổi lợi ích của riêng mình, nên khi tham gia vào các quan hệ quốc tế, sự “thỏa thuận” để lợi ích đó phù hợp với lợi ích của quốc gia khác và lợi ích quốc tế chung, trở thành vấn đề nền tảng.

 

Giám sát, thi hành và thực hiện chế tài

 

Trong luật quốc gia, các chủ thể thực thi do có một cơ chế chế tài ràng buộc. Trong Luật quốc tế cũng có những cơ chế chế tài xác định, nhưng đó không phải là ràng buộc chủ yếu cho việc các quốc gia thực thi luật quốc tế. Các chủ thể của Luật quốc tế thực thi luật trên cơ sở tự nguyện. Có hai lý do cho việc này: Một là, Luật quốc tế tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và hai là, chính các quốc gia tự ràng buộc mình vào những quy định của luật quốc tế. Thiện chí và cam kết thực hiện vẫn là phông nền không thể thiếu khi các quốc gia ký kết các điều ước quốc tế.

 

Tuy vậy, sự vi phạm Luật quốc tế không phải là điều hiếm gặp. Khi đó, các biện pháp chế tài được áp dụng có thể là cấm vận, cắt đứt quan hệ ngoại giao, sử dụng các biện pháp hạn chế trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật,…, thậm chí là sức mạnh quân sự trong trường hợp có tấn công vũ trang.

 

Đến đây, sẽ có một câu hỏi được đặt ra. Đó là, liệu Luật quốc tế có phải là luật không? Những bạn sinh viên học luật chắc đều học qua môn Lý luận chung về Nhà nước và pháp luật, ở đó, pháp luật được định nghĩa là “tổng thể các quy tắc xử sự có tính bắt buộc chung, do Nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận, thể hiện ý chí của giai cấp cầm quyền, được Nhà nước đảm bảo thực hiện bằng các biện pháp giáo dục, thuyết phục, và cưỡng chế”. Trong khi đó, Luật quốc tế không có (hoặc có nhưng không đầy đủ) những tính chất này. Vậy thực chất Luật quốc tế có phải là luật không, hay chỉ là những thỏa nhuận giao kèo giữa các quốc gia thôi? Mà nếu đã không phải là luật, thì sao còn gọi là Luật quốc tế được?

 

Suy nghĩ của các bạn như thế nào? Hãy thử trả lời câu hỏi và tham gia thảo luận vs chúng tôi!

.Sugar.

________________________

Nguồn:

[1] T.7 – 8 Giáo trình Luật Quốc tế – Trường Đại học Luật Hà Nội – 2006

[2] T.580 – 581, Giáo trình Luật Quốc tế – Học viện Quan hệ quốc tế, 2007

Thảo luận

12 bình luận về “Phần 1a: Mở đầu Luật quốc tế

  1. Good job buddy, đang chờ phiên bản hoàn thiện của tác giả 😉

    Posted by Admin | 17/09/2011, 5:20 chiều
  2. cho t hỏi 1 tẹo nhé 😀 Sao lại nói các tổ chức quốc tế liên chính phủ là chủ thể phái sinh :-/ Và cái từ phái sinh thì hiểu nôm na nó là thế nào? Cho t cảm ơn trc nhé 🙂

    Posted by mimoza2110 | 18/09/2011, 11:17 chiều
    • Cảm ơn vì đã đặt một câu hỏi hay, đây là phần mà tác giả bài viết này chưa kịp update hoàn chình, mình sẽ trả lời câu hỏi của bạn 🙂

      Như chúng ta đã biết thì “chủ thể cơ bản”, chủ yếu của luật quốc tế là các quốc gia, nhưng ngoài ra một số chủ thể khác cũng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật quốc tế như các tổ chức quốc tế liên chính phủ hay còn gọi là “chủ thể phái sinh” và một loại chủ thể nữa gọi là “chủ thể quá độ”, chính là các dân tộc đang đấu tranh giành quyền dân tộc tự quyết.

      Từ “phái sinh” ở đây có thể cắt nghĩa nôm na là được phái cho, được mang lại cho quyền năng gi đấy. Ở đây các tổ chức liên chính phủ không phải là một chủ thể hoàn chỉnh của luật quốc tế, các quyền năng của nó đã bị hạn chế (không đầy đủ). Lý do bởi các tổ chức này không tự thành lập ra, không tự trao các quyền năng cho mình như chủ thể quốc gia (chủ quyền), mà được các quốc gia thành viên thỏa thuận trao cho, do vậy nó không thể tự xác định được quyền lợi và nghĩa vụ của mình khi tham gia quan hệ pháp lý quốc tế, mà chỉ tham gia trong phạm vi được các thành viên trao quyền.

      Hi vọng câu trả lời của mình đã giải đáp được thắc mắc của bạn 😉

      Posted by Admin | 18/09/2011, 11:43 chiều
      • Cảm ơn bạn nhiều nhé 😀

        Posted by mimoza2110 | 18/09/2011, 11:57 chiều
      • Ad rep gì mà nhanh vậy =.= tối qua mình nhìn thấy comment của bạn Mimoza nhưng đang mải làm cái khác, định để sáng nay trả lời mà ad đã nhanh tay xí mất rồi =.=
        Chúng mình sẽ đầu tư công sức làm 1 bài riêng về chủ thể LQT và chủ quyền nhỉ 😀

        Posted by International Law DAV | 19/09/2011, 8:22 sáng
  3. Haha, kinh nghiệm là hôm sau thấy câu hỏi là phải trả lời luôn và ngay đấy không bị xí mất 😀
    Chắc chắn sẽ có 1 bài riêng về “chủ thể và chủ quyền của luật quốc tế” 😉

    Posted by Admin | 19/09/2011, 8:26 sáng
  4. keep on good work 😉

    Posted by hayliearmstrong | 19/09/2011, 2:11 chiều
  5. cho mình cùng tham gia với đc k 😉

    Posted by mimoza2110 | 19/09/2011, 7:17 chiều

Trackbacks/Pingbacks

  1. Pingback: Phần 2: Luật quốc tế và chiếc xe hơi! « International Law - 23/09/2011

  2. Pingback: Phần 3: Luật quốc tế lỏng lẻo? « International Law - 23/09/2011

Gửi phản hồi cho Admin Hủy trả lời

Thống kê

  • 101 693 views
àd